Tin Tức

KINH NGHIỆM XÂY NHÀ TỪ A – Z CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

8 Tháng Năm, 2021

Kinh nghiệm xây nhà đầy đủ cho những ai có ý định tự xây nhà. Eco Home Design hi vọng có thể giúp được những gia chủ đang ấp ủ cho ngôi nhà mới 2021!

PHẦN I: KINH NGHIỆM XÂY NHÀ BƯỚC CHUẨN BỊ

1. Thiết kế

Thiết kế là phần quan trọng nhất của nhà (bắt buộc phải có). Bởi một số lý do:
– Giúp mình hình dung tổng thể toà nhà khi xây xong nó sẽ thế nào. Có thể bố trí các phòng thế nào. Trong mỗi phòng thì đồ đạc có thể để thế nào?
– Trong thiết kế tính cả những yếu tố như phong thuỷ, thiết kế chi tiết có những vật liệu cần dùng, loại nào, sử dụng bao nhiêu…. Ngoài ra ở những góc nhỏ có những phần giúp cho việc tận dụng không gian tốt hơn cũng như trông đẹp hơn khi kê đồ vào.
– Những gì làm theo thiết kế thì nói chung không xảy ra vấn đề gì. Nhưng những gì có tranh cãi rồi làm thay đổi thiết kế thì rất nhiều chỗ có vấn đề. Vậy nên tốt nhất hãy đám phán với người thiết kế để nếu muốn thay đổi thì làm việc lại với thiết kế. Họ sẽ đưa ra đề xuất tốt nhất thoả mãn yêu cầu của mình;
– Giá thiết kế Kiến trúc không quá cao. Nó sẽ có rất nhiều mức độ khác nhau: từ 50k/m2 cho tới 500k/m2. Hãy cân nhắc kỹ, và quan trọng nhất hãy chọn 1 đơn vị có tâm, được tin tưởng, có nhiều công trình trước đó để chọn mặt gửi vàng. Bạn cũng nên lên mạng xem qua cách đọc bản vẽ kỹ thuật một chút, vì các lợi ích sau, trong quá trình thiết kế, bạn sẽ hiểu rõ ý đồ và không gian ngôi nhà của mình hơn.
– Bản thiết kế sẽ kèm với mô tả không gian 3D, giúp bạn hình dung được màu sắc hợp lý, loại gạch phù hợp…

2. Xem ngày giờ

Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Những việc lớn như xây nhà, là công trình cả đời càng nên cẩn thận. Có những mốc quan trọng cần xem: ngày phá dỡ nhà cũ, động thổ, cất nóc và nhập trạch. Chọn ngày đẹp sẽ giúp bạn an tâm sinh sống hơn.

3. Chọn thợ

Thông thường có 2 hình thức thuê thợ:
– Tính công: Thường chỉ dùng nếu như thợ nhà, đảm bảo trách nhiệm. Bởi nếu thuê theo công thì càng kéo dài thợ càng được lợi, làm nhàn hơn mà tiền công nhận được vẫn vậy.
– Khoán: Thông thường tiền công khoán tính theo m2 sàn. Cứ tính xem bao nhiêu m2 bê tông sàn từ tầng dưới lên rồi nhân theo đơn giá. Có hai hình thức khoán: khoán toàn bộ và chỉ khoán công. Nếu mình không có người giám sát hàng ngày thì có thể khoán toàn bộ. Nghĩa là họ lo cả vật liệu cho mình luôn. Nhưng với hình thức này cần phải làm rất rõ xem trách nhiệm của thợ phải làm đến đâu. Chỉ khoán xây thô hay cả hoàn thiện. Nếu hoàn thiện thì hoàn thiện đến hạng mục nào…. (Nếu xây thô thì thường đơn giá khoản 3-4 triệu/ m2). Nếu tính cả hoàn thiện thì khoảng 5 – 7 triệu /m2. Tại nông thôn, mọi người lại chuộng sử dụng hình thức khoán công. Công xây thô vào khoảng 1 – 1,2 triệu/m2. Và thông thường bạn không có quyền chọn thợ mà chỉ có thể chọn “cai”.

4. Kinh nghiệm xây nhà – lựa chọn người giám sát thi công

Cái này cũng khá quan trọng. Thông thường thợ xây là những người không có trình độ, việc ăn cắp vật liệu, tiền bạc, làm ẩu, làm sai có thể xảy ra. Do đó nếu có thể bạn nên tìm một người giám sát thợ hàng ngày. Người đó cí quan hệ thân thuộc và biết về xây dựng.

5. Khảo sát giá vật liệu

Kể cả bạn thuê chọn gói hay thuê công và mua vật liệu thì bạn cũng nên chọn nơi cung cấp vật liệu, giá cả. Nếu nhà nhỏ ko để được nhiều vật liệu (cát, đá, xi măng…) thì bạn nên chọn nơi cung cấp gần nhà để có thể luôn có sẵn sàng vật liệu, thợ đỡ phải chờ. Về sắt thì nên lựa chọn kỹ (cái này liên quan đến thiết kế kết cấu nữa). Trong số vật liệu thô thì sắt là đắt nhất. Thế nên bạn cũng nên tìm hiểu trước khi chọn nơi mua, đám phán đầy đủ về giá cả (kể cả vận chuyển).

6. Chuẩn bị giấy tờ, xin giấy phép

Về lý thuyết thì bạn cần lên xin phép ở quận, huyện, TP. Nếu bạn có đầy đủ sổ đỏ, giấy tờ và lúc xây ko muốn lấn ra một chút không gian nào thì cứ đường đường chính chính lên quận để xin. Tùy vào “bảng giá” của từng nơi mà xử lý. Nên tham khảo trước nhà hàng xóm, không thì hỏi thẳng luôn! Lưu ý khi đi xin giấy phép phải hỏi kỹ quy định về quy hoạch tại nơi mình định xây nhé!

PHẦN II: XÂY THÔ

1. Phá dỡ nhà cũ, đào móng

Thông thường bạn phải thuê riêng thợ cho việc phá nhà và đào móng. Cai xây dựng cũng có thể gọi giúp bạn, nhưng thường là đội khác chứ không phải đội xây dựng. Bạn nhớ phải thoả thuận chi phí rõ ràng trước khi phá nhà, đào móng. Phá nhà thường tính khoán, còn đào móng tính theo m2 đất.

2. Giám sát vật liệu xây dựng – kinh nghiệm xây nhà xương máu, tránh xuống cấp về sau

Dù bận rộn tới đâu, hãy cố tới công trình 3 – 4 lần/tuần, tránh thợ làm sai so với bản vẽ.
– Cát: cát được sử dụng trong xây dựng hiện nay tốt nhất là cát vàng để đổ bê tông, cát xanh, đen (rẻ hơn) để xây và trát tường. Nhiều năm gần đây, vì mục đích lợi nhuận, nhiều cửa hàng vật liệu trộn cát để bán giá cao hơn. Đôi khi còn khai điêu khối lượng (3 khối nhưng báo lên 4, 5 khối). Nên cứ khoán cho nhà thầu đỡ phát sinh chi phí.
– Thép: thép xây dựng ở miền Bắc, Trung, Nam thường khác nhau. Từ Việt nhật, Hòa phát, Pomina… Nguyên nhân là do thói quen tiêu dùng, và vị trí đặt nhà máy thép (phí vận chuyển thép khá cao). Phần lớn thép xây dựng đã được định hình trên thị trường hiện nay đều do các nhà máy uy tín sản xuất. Điều duy nhất chúng ta quan tâm sử dụng đúng loại thép trong xây dựng. Nhiều người nghĩ, thép xây dựng chỉ có một loại duy nhất. Nhưng nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trên đầu cây thép bao giờ cũng có sơn các màu khác nhau. Từng màu đã có quy định tiêu chuẩn, sẽ nói nên chất lượng và tính năng của thép.
Ví dụ, thép sơn đầu màu xanh lá(SD390), xanh dương (SD490), trắng (SD295A), vàng (CB300V), đỏ (CB400V), đen (CB500V), cam (GR40)… Nó thể hiện cho tính năng và độ cứng của thép, để sử dụng ở từng loại công trình. Bạn không thể lấy thép dùng xây nhà dưới 3 tầng để xây cho nhà mười mấy tầng. Nếu xây nhà dưới 3 tầng thì sử dụng thép gì cũng được. Nhưng nhà cao tầng, hoặc những công trình kiên cố, người cẩn thận thì nên sử dụng thép CB300V có sơn đầu màu vàng, hoặc CB400V loại sơn đầu màu đỏ.
– Gạch: trên thị trường hiện nay có bán rất nhiều loại gạch nung để xây tường. Đa số là gạch nung ống giữa(gạch ống) và gạch nung đặc (gạch bìa).
– Xi măng: Xi măng rất khó khăn trong khâu vận chuyển. Hiện nay trên thị trường Bắc, Trung, Nam thường sử dụng các thương hiệu nhất định. Xi măng giá không chênh lệch nhiều và mặt hàng này không để được lâu. Nên làm đâu, gọi đến đó.

PHẦN III: HOÀN THIỆN

1. Điện

Các công trình hiện nay chủ yếu đi ngầm điện nước, quan trọng nhất là việc đi dây. Nếu ở miền Bắc bạn nên chọn dây điện Trần Phú, còn ở miền Nam thì nên chọn Cadivi. Aptomat và kích thước dây điện phù hợp với công suất sử dụng.
Các thiết bị điện bạn cũng nên chọn loại tốt, gắn với công trình dài lâu. Tùy thuộc vào phong cách thiết kế nội thất mà chọn kiểu dáng, màu sắc phù hợp.

2. Gạch ốp lát

nhà phố hiện đại- eco home design

Gạch lát có 2 loại granite và ceramic. Gạch granite chất lượng tốt hơn, ít bám bẩn và khó bị xước, vỡ nhưng giá thì đắt hơn, kiểu dáng cũng ít hơn. Về Thương hiệu thì có nhiều loại như Thạch Bàn, Đồng Tâm, Prime, gạch tàu, gạch ngoại khác… Gạch lát nền người ta thường dùng kích thước 40x40cm, 60x60cm hoặc 80x80cm (càng to càng đắt). Giá từ 100K/m2.
Đá lát cầu thang cần chống trơn tốt. Đá ốp lát bếp và nhà vệ sinh lại cần trơn, dễ dàng làm sạch.

3. Cửa và hệ thống lan cửa, tay vịn

Gỗ thì phù hợp nhất nhưng thường giá cao nên giờ thường người ta chỉ dùng làm cửa chính. Chi phí khoảng 2 triệu/m2. Sắt thì rẻ tiền, chắc chắn nhưng không bền, thỉnh thoảng phải sơn lại. Giá của cửa sắt vào khoảng hơn 1 triệu/m2 tuỳ thuộc vào chất lượng, độ dày của sắt… Thường cửa sắt làm cửa chính hoặc cửa sân thượng. Inox, nhựa, nhôm kính cũng thường được sử dụng nhưng màu sắc kém sang.
Hoa cửa sổ bây giờ thường sử dụng hai loại vật liệu sắt và Inox. Giá khoảng 350 – 400K/m2.

4. Sơn và trang trí

Sơn có nhiều loại sơn giá cả rất khác nhau. Thông thường những loại sơn hay được sử dụng là Delux, Jotun, Kova… Sơn ngoài trời thường nên chọn loại sơn tốt để chống thấm. Sơn trong nhà thì cần phải sơn 2 loại: sơn lót & sơn màu. Còn giá sơn tường thường phân ra làm 2 nhóm: sơn nhà & sơn ngoài trời. Sơn trong nhà khoảng 10-12k/m2, sơn ngoài trời khoảng 12-18k/m2. Sơn trong nhà thường có áp dụng công thức rất đơn giản: diện tích sàn * 4.3 lần. Thông thường giá tiền công chỉ bằng khoảng ¼ đến ⅕ giá sơn nên mọi người không nên quá so sánh giá cả. Thợ sơn tốt sẽ giúp mình tiết kiệm sơn hơn. Từ đó chi phí có khi còn thấp hơn mà tường lại đẹp hơn.
Nếu không có gì đặc biệt, thợ thi công sẽ hoàn thiện mặt tiền theo họa tiết trang trí bạn vạch ra. Nhưng hãy giám sát kỹ để các đường xây trát không bị dại.

5. Nội thất

Nội thất cũng rất quan trọng, quyết định tiện lợi của không gian sống chính thức. Eco Home Design cũng khuyên bạn nên thuê thiết kế riêng. Chi phí chỉ từ 100K/m2 nhưng có định hướng rõ ràng, nhìn rõ thành quả để mua sắm, sắp xếp hợp lý.
Đôi khi không phải nội thất đắt mới đẹp, quan trọng là sự phù hợp. Các đơn vị thiết kế nội thất thường sẽ có xưởng thi công riêng, bạn cũng có thể ký hợp đồng trọn gói để nội thất đồng bộ mà chi phí cũng hợp lý.
Mong rằng những gợi ý trên đây sẽ giúp ích cho quá trình xây dựng tổ ẩm nhà bạn!
Và đừng quên, Eco Home Design cung cấp cho bạn giải pháp chìa khóa trao tay. Không phải bận lòng suy nghĩ, chỉ ký duy nhất 1 hợp đồng và chờ ngày xách va li vào ở. Việc xây nhà trở nên dễ dàng. Bạn cũng có nhiều thời gian hơn để giám sát, điều chỉnh. Các KTS sẽ gợi ý các giải pháp tiết kiệm chi phí nhất. Gọi ngay 0971.696.212  để được tư vấn miễn phí!